Trung Quốc chính thức công bố thông tin về tàu sân bay Varyag


QĐND Online - Quân đội Trung Quốc đã chính thức lên tiếng xác nhận thông tin về quá trình cải tạo, nâng cấp tàu sân bay đầu tiên, đó là thông tin được AFP đăng tải. Theo lời Tổng tham mưu trưởng quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc Chen Bingde, tàu sân bay đầu tiên của quân đội Trung Quốc là chiếc hàng không mẫu hạm Varyag mua lại từ Ukraina. Hiện tại, quá trình sửa chữa và nâng cấp chiếc tàu sân bay này vẫn đang được tiến hành tại cảng Đại Liên, tỉnh Nam Ninh.
Tờ Hong Kong Commercial Daily dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết, tàu sân bay của hải quân Trung Quốc sẽ được hạ thủy muộn nhất vào cuối tháng 6-2011. Theo lời Trợ lý Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Qi Jianguo, việc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là phù hợp với chiến lược quốc gia của nước này về việc không can thiệp vào các vùng lãnh hải của quốc gia khác.
Tàu sân bay Shi Lang. Ảnh: wartard.blogspot.com
Căn cứ vào các thông tin đã được công bố, hải quân Trung Quốc dự kiến sử dụng tàu sân bay đầu tiên để đào tạo phi công hải quân và là cơ sở để nước này đóng mới các tàu sân bay nội địa trong tương lai.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, báo Hong Kong Commercial Daily không hề đề cập tới tên gọi của chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên. Mới đây, nhiều thông tin cho rằng, chiếc tàu sân bay Varyag mua từ Ukraina năm 1998 với giá bán phế liệu này sẽ được đối tên thành Shi Lang (vị đô đốc hải quân đời nhà Minh có công giành được Đài Loan năm 1681) sau khi hoàn thành quá trình sửa chữa, nâng cấp.
Đầu tháng 6-2011, công ty đóng tàu Changxingdao Shipyard đã bắt đầu lắp đặt hệ thống radar và một số tổ hợp vũ khí phòng thủ mới lên tàu sân bay Shi Lang.
Dự kiến, Shi Lang sẽ bắt đầu quá trình chạy thử nghiệm vào cuối năm 2011 và tới năm 2012, chiến hạm này sẽ được bàn giao lại cho hải quân Trung Quốc. Hiện tại, vẫn chưa rõ hải quân Trung Quốc sẽ trang bị dòng máy bay hải quân nào trên Shi Lang. Nhiều nguồn tin cho rằng, đó sẽ là chiến đấu cơ J-15 được Trung Quốc tự phát triển dựa trên cơ sở mẫu thử T-10K (chiến đấu cơ hải quân Su-33) mua từ Ukraina năm 2005. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định, J-15 là một biến thể của dự án J-11B (“Su-27” của Trung Quốc).
J-15 hiện vẫn đang trong quá trình bay thử nghiệm và nhiều khả năng sẽ được chấp nhận vào quân đội Trung Quốc không sớm hơn năm 2015.
Tuấn Sơn (theo Lenta)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét