QĐND - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh, ngày 27-7 thông báo, cơ quan chức năng hữu quan của Trung Quốc đang nghiêm chỉnh nghiên cứu vấn đề tàu sân bay. Bản tin trên trang web của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc cho hay, nước này hiện đã tiến hành cải tạo một tàu sân bay cũ, chỉ có bộ khung, để tiến hành huấn luyện và thí nghiệm, thời gian chạy thử cụ thể sẽ được xác định dựa theo tiến độ cải tạo. Ông Cảnh Nhạn Sinh được trích lời nói rằng: “Trung Quốc kiên trì thi hành chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ, quyết không thay đổi vì đóng tàu sân bay”.
Tàu sân bay Shi Lang trong quá trình hoàn thiện tại cảng Đại Liên. Ảnh: Tân Hoa xã |
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức xác nhận việc chế tạo tàu sân bay nhưng thông tin về chương trình này đã nhiều lần được báo chí Trung Quốc và quốc tế đăng tải. Shi Lang, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sắp hoàn thiện, có nguyên bản là tàu Varyag, được Liên Xô khởi công đóng tại U-crai-na năm 1985. Khi hoàn thành được 70% với phần khung sườn hoàn chỉnh nhưng chưa gắn động cơ thì Liên Xô sụp đổ. Do đó, tàu Varyag được chuyển giao cho U-crai-na sở hữu. Tuy nhiên, U-crai-na không đủ ngân sách để hoàn thiện Varyag khiến việc đóng tàu bị ngừng lại hoàn toàn từ năm 1992 và bộ khung sườn khổng lồ phải nằm “đắp chiếu” tại cảng bên bờ Biển Đen.
Năm 1998, U-crai-na quyết định thanh lý chiếc tàu đóng dở này bằng cách bán đấu giá. Bộ Thương mại U-crai-na khi đó công bố chiếc tàu được một công ty du lịch có trụ sở tại Hồng Công (Trung Quốc) mua với giá 20 triệu USD. Công ty này nói rằng, họ có ý định kéo Varyag về Ma Cao (Trung Quốc) để biến nó thành một khách sạn nổi kiêm sòng bạc. Trước khi bàn giao tàu, phía U-crai-na cũng gỡ hết các thiết bị có thể sử dụng vào mục đích quân sự trên tàu Varyag. Phải mất một thời gian dài, tàu Varyag mới được kéo về đến cảng Đại Liên ở đông bắc Trung Quốc (năm 2002) để chuẩn bị cho việc chuyển đổi chức năng sử dụng.
Tuy nhiên, sau khi về đến Đại Liên, thay vì biến thành một khách sạn nổi, chiếc tàu lại được hoàn thiện thành chiếc tàu sân bay như thiết kế ban đầu. Theo thiết kế gốc, Varyag là tàu sân bay lớp Đô đốc Kuznetsov thuộc Dự án 1143.5 của Hải quân Liên Xô. Có chiều dài 300 m, chiều rộng 72m, có thể mang tối đa 67 chiếc máy bay các loại như Su-33, Mig-29, trực thăng chống tàu ngầm Ka-27PL. Tàu có diện tích khoang là 14.700m2. Khác với các tàu sân bay của phương Tây, tàu không sử dụng hệ thống máy phóng máy bay mà các máy bay cất cánh dựa trên một đường dốc nghiêng 12 độ ở phía cuối boong tàu. Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống tên lửa phòng không để bảo vệ tàu khỏi các cuộc tấn công trực tiếp bằng loại tên lửa đối hạm, máy bay chiến đấu và tàu chiến của đối phương.
Varyag, với trọng tải tối đa 67.500 tấn, có thể hoạt động 45 ngày liên tục trên biển với phạm vi 7.100km. Tốc độ tối đa của Varyag là 59km/giờ. Nó có thể mang theo 2.500 tấn nhiên liệu máy bay, đủ để thực hiện từ 500 đến 1000 lượt bay của máy bay chiến đấu và trực thăng. Sức chứa của con tàu từ khoảng 2.500 đến 3000 người. Ngoài chiếc Varyag đang nằm trong tay Trung Quốc, hiện Hải quân Nga cũng có một chiếc tàu sân bay lớp Đô đốc Kuznetsov trong biên chế.
Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ dùng những loại máy bay nào cho chiếc Shi Lang. Dòng máy bay hải quân chính của nước này có thể sử dụng trên tàu sân bay là J-11 tự sản xuất dựa trên công nghệ nước ngoài và những chiếc Su-27 mua từ U-crai-na. Bên cạnh đó là những chiếc trực thăng hải quân như máy bay chống ngầm Ka-28, máy bay cảnh báo sớm Ka-31 và máy bay vận tải Mi-8 đều do Nga chế tạo.
Trong khi đó, một trong những khâu nội địa hóa phức tạp nhất của Shi Lang là bộ phận động cơ tàu. Trung Quốc chưa từng sản xuất động cơ tuốc-bin khí phục vụ cho tàu sân bay và cũng chưa thấy mua của nước ngoài loại động cơ này, do đó các chuyên gia nhận định Shi Lang sẽ được lắp các động cơ đi-ê-den tàu biển thông thường.
Việc hạ thủy Shi Lang sẽ giúp Trung Quốc trở thành quốc gia Đông Bắc Á đầu tiên triển khai tàu sân bay kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Tại châu Á, Thái Lan đã sở hữu tàu sân bay hạng nhỏ với trọng tải 11.000 tấn mang tên Chakri Naruebet từ năm 1997. Hải quân Ấn Độ cũng đã sử dụng một tàu sân bay mang tên INS Viraat và đang có kế hoạch đưa vào khai thác chiếc thứ hai cuối năm 2011 và chiếc thứ ba năm 2015.
Việt Bách
0 nhận xét:
Đăng nhận xét