…Tới hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc


QĐND Online - Với chiến lược thế kỷ 21 là “thế kỷ của biển”, hải quân Trung Quốc đã và đang nỗ lực xây dựng lực lượng không chỉ đảm bảo khả năng bảo vệ chủ quyền, mà còn vươn ra “vùng biển xanh” (đại dương). Việc này được hiện thực hóa thông qua sự tập trung đầu tư và lớn mạnh nhanh chóng của hải quân Trung Quốc. Một trong những điểm nhấn là việc quốc gia Đông Á này lập kế hoạch đầu tư các hạm đội tàu sân bay nội địa trong tương lai gần.
Tuy nhiên, do những khó khăn về công nghệ chế tạo và kinh nghiệm sử dụng loại vũ khí này, Trung Quốc đã “rút ngắn giai đoạn” thông qua việc thu mua lại các hạm tàu sân bay đã qua sử dụng của các nước để tích lũy kinh nghiệm phát triển dòng vũ khí hải quân phức tạp này như: mua tàu sân bay Melbourne từ Australia năm 1994, TAVKR Kiev năm 1993, Minsk (Đồ án 1143) năm 1996 và Varyag (Đồ án 1143.5) năm 1998.
Điểm nhấn đặc biệt là từ năm 2002, TAVKR Varyag được chuyển tới quân cảng Đại Liên để tiến hành sửa chữa, nâng cấp với mục đích trở thành chiếc tàu sân bay đầu tiên của hải quân Trung Quốc. Năm 2008, chiếc TAVKR này được đổi tên thành Thi Lang để vinh danh Đô đốc hải quân đời Minh-Thanh (1621-1693) đã có công thu phục đảo Đài Loan.
Vẫn đang trong quá trình hoàn thiện
Khi được công ty Chong Lot Travel Agency (Macao) mua lại năm 1998 từ Ukraine với mục đích làm sòng bạc nổi, TAVKR Varyag gần như đã hoàn thiện, chỉ thiếu trang bị điện tử và động cơ. Tuy nhiên, theo các nguồn tin không chính thức, khi bán cho Trung Quốc, toàn bộ các kết cấu xà chịu lực của Varyag đều bị tháo bỏ, nhưng bù lại Trung Quốc lại có được toàn bộ dữ liệu về đặc tính kỹ-chiến thuật của lớp TAVKR này.
Chiến hạm Thi Lang trong quá trình hoán cải và nâng cấp tại Đại Liên
Khi ở quân cảng Đại Liên, thông tin về Thi Lang rất hạn chế. Tới tận thời gian gần đây, trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Hong Kong Commercial Daily đăng ngày 21-6, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng-nhân dân Trung Quốc Trần Bỉnh Đức mới lên tiếng xác nhận Thi Lang đang trong quá trình hoán cải, nâng cấp tại nhà máy đóng tàu Changxingdao Shipyard và quá trình này hiện vẫn chưa hoàn tất. Dự kiến, Thi Lang sẽ được hạ thủy muộn nhất vào cuối tháng 6-2011 và được biên chế cho hải quân Trung Quốc vào năm 2012.
Cùng thời gian này, tạp chí Strategy Page cho biết, Thi Lang đã được lắp 4 hệ thống an-ten mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) cùng hệ thống điều khiển và hệ thống trao đổi thông tin trên hạm do Trung Quốc tự phát triển. Tính năng của hệ thống radar này được đánh giá có chức năng tương đương với hệ thống điều phối hỏa lực Aegis lắp trên các chiến hạm của hải quân Mỹ.
Về vũ khí phòng thủ, Thi Lang đã được trang bị một số tổ hợp vũ khí phòng thủ như: tổ hợp CIWC Type 730 nâng cấp với pháo nòng xoay 30 mm. Kết hợp với Type 730 nâng cấp là các tổ hợp tên lửa phòng không FL-3000N có tầm bắn đạt tới 9 km. Trung Quốc từng giới thiệu dòng vũ khí này tại Hội chợ quân sự quốc tế Chu Hải năm 2009.
Hiện, vẫn không rõ Trung Quốc có trang bị hoặc loại bỏ các tổ hợp tên lửa diệt hạm đặt dưới boong như trang bị tiêu chuẩn của Varyag hay không. Cần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc hiện không sở hữu dòng tên lửa diệt hạm nào tương đương với P-700 Granit và căn cứ vào trang bị của Thi Lang, nó sẽ là tàu sân bay đúng nghĩa với việc chuyển việc phòng thủ hạm nổi, săn ngầm cho chiến hạm, tàu ngầm hộ tống và máy bay trên boong.
Theo các thông tin được công bố, Thi Lang được trang bị động cơ gas-turbin khí DN80, phiên bản xuất khẩu động cơ UGT 25000 công suất 26.700 mã lực của Ukraine. Ngoài ra, phía Ukraine cũng chuyển giao bản quyền sản xuất dòng động cơ này cho công ty Trung Quốc tại Cáp Nhĩ Tân.
Đã sẵn sàng?
Điểm quan trọng nhất đối với các hạm tàu sân bay là các đơn vị máy bay hoạt động trên boong, nhưng tính tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ thành phần máy bay sẽ hoạt động trên Thi Lang.
Hình ảnh được cho là chiến đấu cơ hải quân J-15 của Trung Quốc
Căn cứ vào các thông tin hiện có, công ty chế tạo hàng không Shenyang đang phát triển chiến đấu cơ hải quân J-15, dòng máy bay đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên trong năm 2009. Dự kiến, để hoàn tất quá trình thử nghiệm trên và trang bị dòng máy bay hải quân này lên boong của Thi Lan sẽ cần vài năm (dự kiến hoàn thành vào năm 2015). Trung Quốc bắt tay vào phát triển J-15, sau khi thỏa thuận với Nga về việc mua các chiến đấu cơ hải quân Su-33 thất bại. Nhiều chuyên gia nhận định, J-15 được phát triển dựa trên một mẫu thử Т-10К-3 (Su-33) mua lại của Ukraine năm 2005. Tuy nhiên, giới truyền thông Trung Quốc lại khẳng định, J-15 là một biến thể của J-11B (“Su-27SM” của Trung Quốc).
Trung tuần tháng 5-2011, đã xuất hiện thông tin Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm dòng máy bay AWACS hải quân dựa trên cơ sở máy bay vận tải Xian Y-7 (biến thể An-24 của Trung Quốc). Tuy nhiên, không rõ dòng AWACS hải quân này có thể hoạt động trên Thi Lang được không?
Mô hình AWACS hải quân phát triển trên cơ sở Xian Y-7
Để cất cánh trên tàu sân bay, AWACS hải quân cần cơ cấu máy phóng hơi nước (E-2D Advanced Hawkeye‎ của Mỹ và mẫu thử dự kiến An-71 của Nga). Cũng vì thiếu cơ cấu máy phóng hơi nước, TAVKR của hải quân Nga, cùng lớp với Thi Lang, là Đô đốc Kuznetsov phải sử dụng trực thăng Ka-31 cho nhiệm vụ AWACS với nhiều hạn chế so với AWACS cánh cố định.
Sự kiện mới đây nhất là việc Trung Quốc cho ra mắt dòng máy bay huấn luyện trên hạm JT-9 để trang bị cho các trung tâm đào tạo phi công hải quân đóng tại Vũ Hán, Thiểm Tây và Liêu Ninh.
Ngoài ra, cơ cấu chiếm hạm và tàu ngầm hộ tống trong biên chế hạm đội tàu sân bay của Thi Lang vẫn chưa được xác định. Trong tác chiến hải quân, cơ cấu hoạt động của hạm tàu sân bay rất phức tạp, vì vậy để có một hạm tàu sân bay hoàn chỉnh sẽ mất rất nhiều thời gian hoạt động cùng nhau.
Với các khó khăn như trên, không loại trừ khả năng Thi Lang sẽ được sử dụng với vai trò như tàu sân bay huấn luyện để đào tạo phi công và thủy thủ đoàn, chuẩn bị cho các hạm tàu sân bay tương lai của Trung Quốc.
Hiện tại, chương trình phát triển và đóng mới tàu sân bay nội địa của Trung Quốc được chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, Trung Quốc sẽ đóng mới từ 2 tới 4 tàu sân bay trang bị động cơ DN80 và có trọng tải đạt 50.000-55.000 tấn/tàu. Một nửa trong số tàu sân bay mới phải “sẵn sàng” trong gian đoạn 2015-2016, để đảm bảo tới năm 2020, hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu các hạm đội tàu sân bay hoàn chỉnh.
Ở giai đoạn tiếp đó, Trung Quốc sẽ đóng 2 tàu sân bay có trọng tải 65.000 tấn trang bị động cơ hạt nhân. Tổng cộng, hải quân Trung Quốc sẽ thành lập từ 4 tới 6 nhóm tàu sân bay đóng quân tại vùng biển phía Đông và phía Nam nước này.
Tuấn Sơn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét