Trung Quốc lý giải việc đóng tàu sân bay


QĐND - Trung Quốc đã chính thức xác nhận việc đang chế tạo tàu sân bay Shi Lang. Đây là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, có nguyên bản là tàu Varyag, được Liên Xô khởi công đóng tại U-crai-na năm 1985. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết, việc chế tạo tàu sân bay là nhằm mục đích nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Tàu sân bay đậu tại cảng Đại Liên, Trung Quốc. Ảnh: wartard

Nhân dịp này, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc ngày 30-7 đã đăng bài trả lời phỏng vấn của ông Li Jie, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu nghệ thuật quân sự Hải quân Trung Quốc liên quan tới con tàu này.
Nhà nghiên cứu Li Jie cho rằng, Trung Quốc quyết định chế tạo tàu sân bay với mong muốn cải thiện khả năng tự vệ của mình chứ không phải tạo ra mối đe dọa cho bất kỳ nước nào. Một lý do khác thúc đẩy Trung Quốc phải nhanh chóng sở hữu tàu sân bay là vì Trung Quốc là nước duy nhất trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc không có tàu sân bay. "Trong khi đó, xung quanh Trung Quốc có tới 6, 7 quốc gia đã và sắp sở hữu tàu sân bay như: Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Ô-xtrây-li-a. Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc có tàu sân bay, Hải quân Trung Quốc sẽ không thay đổi chiến lược bảo vệ ngoài khơi của mình. Trung Quốc cũng không thay đổi chính sách bảo vệ quốc gia”, ông Li nói. Thêm vào đó, việc chế tạo tàu sân bay sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc và tạo thêm cơ hội việc làm ở nước này.
Vậy phải có những công nghệ hiện đại nào để chế tạo tàu sân bay? Theo ông Li, đóng tàu sân bay cần nhiều công nghệ hiện đại và phức tạp, trong đó công nghệ máy bay trên tàu là một yếu tố rất quan trọng. “Một tàu sân bay cỡ lớn của Mỹ thường được trang bị từ 70 đến 80 máy bay các loại và thậm chí lên tới 100 máy bay trong trường hợp chiến tranh. Vậy làm thế nào để máy bay có thể triển khai và sắp xếp trên boong tàu và trong nhà chứa máy bay? Làm thế nào để máy bay cất cánh và hạ cánh an toàn?... Đó là những việc mà chúng tôi phải tính toán một cách cẩn thận”, ông Li chia sẻ.
Ngoài ra, việc cải tạo một tàu sân bay cũ sang tàu sân bay mới theo thiết kế riêng đòi hỏi các chuyên gia Trung Quốc có kiến thức tổng thể, sâu rộng về kỹ thuật đóng tàu. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách đáng kể trong công nghệ đóng tàu sân bay của Trung Quốc với các nước tiên tiến khác. 
Dù chưa đưa ra thời gian cụ thể để đưa tàu sân bay vào hoạt động, nhưng ông Li nhấn mạnh rằng, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian thử nghiệm sự ổn định, độ tin cậy và khả năng tương thích của tàu sân bay. “Chúng tôi cần có thời gian để giải quyết những vấn đề này. Chúng tôi cần tuân theo quy định của pháp luật về khoa học và nhanh chóng đạt được những tiến bộ nhưng không cần vội vàng quá mức”.
Linh Oanh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét